Sinh hoạt Câu lạc bộ Ngữ Văn với chủ đề “Sân khấu hoá tác phẩm văn học”

Sinh hoạt Câu lạc bộ Ngữ Văn với chủ đề “Sân khấu hoá tác phẩm văn học”

     Nghị Quyết số 29-NQ/TW về Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã nêu rõ: Tổ chức các Hoạt động ngoài giờ lên lớp theo hướng tăng cường sự trải nghiệm, tạo ra các môi trường khác nhau để học sinh được trải nghiệm nhiều nhất, đồng thời là sự khởi nguồn sáng tạo, biến những ý tưởng sáng tạo của học sinh thành hiện thực để các em thể hiện hết khả năng của mình. Trên tinh thần ấy, trường THCS Nguyễn Hiền nói chung và tổ Khoa học xã hội nói riêng luôn tổ chức các hoạt động trải nghiệm sáng tạo dưới nhiều hình thức: Hoạt động giao lưu, tổ chức sự kiện, tham quan- dã ngoại và sân khấu tương tác..theo chủ điểm của từng tháng.

     Văn học nghệ thuật  là một hoạt động tinh thần không chỉ của người sáng tạo mà cả của người tiếp nhận và thưởng thức. Với phương pháp dạy và học văn học “Trả tác phẩm về cho học sinh” đang được các trường trung học trên cả nước hưởng ứng, tổ Khoa học xã hội trường THCS Nguyễn Hiền trong tháng 12 đã sinh hoạt Câu lạc bộ Ngữ Văn với chủ đề “ Sân khấu hoá tác phẩm văn học”, đây là một trong những hình thức dạy học đa dạng nhằm khơi dạy trong các em học sinh tình yêu đối với tác phẩm văn chương, đồng thời tạo ra một sân chơi để các em thỏa sức sáng tạo. Các em được hóa thân vào những nhân vật văn học, được trải nghiệm những cung bậc cảm xúc, những diễn biến tâm lý từ trong trẻo, đẹp đẽ, hùng tráng đến bi thương, da diết và thấp thoáng cả những nụ cười mỉa mai, châm biếm. Hành trình lịch sử với những thăng trầm biến đổi của dân tộc từ thuở khai thiên lập Quốc đến ngày đất nước Việt Nam hoàn toàn thống nhất được các em diễn tả chân thực và hồn nhiên ngay tại sân khấu nhỏ của nhà trường.

     Mở đầu là vở kịch Thánh Gióng chuyển thể từ truyền thuyết Thánh Gióng trong chương trình Ngữ Văn lớp 6 do các em học sinh khối 6 biểu diễn.

image2 (1)

     Từ buổi đầu lập Quốc đến lập Đô là một tiến trình lịch sử vẻ vang của dân tộc.

     Đối với lịch sử Việt Nam, Chiếu dời đô của Lý Công Uẩn có ý nghĩa là một tuyên cáo cho kỷ nguyên độc lập và phát triển lớn mạnh của dân tộc , chuyển thể từ tác phẩm Thiên đô chiếu của Lý Công Uẩn trong chương trình Ngữ Văn lớp 8, là vở kịch Chiếu dời đô do các em học sinh khối lớp 8 biểu diễn.

image1 (3)

       Đến với truyện cười dân gian Việt Nam, chúng ta đến với hàng loạt tiếng cười mang nhiều giá trị khác nhau. Đó không chỉ là tiếng cười đả kích những thói hư, tật xấu của người đời mà còn là những quan niệm đạo đức, quan niệm nhân sinh sâu sắc. Ẩn sau đó là sự lộn xộn, mục ruỗng trong bộ máy cai trị thời mạt kì của chế độ phong kiến Việt Nam. Cách mạng tháng 8 thành công, cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi đã mở ra một trang đời mới cho những người nông dân mất nước, tạo đà cho đại thắng mùa xuân năm 1975 – đất nước thống nhất, non sông gấm voc độc lập tự do. Và, những tác phẩm văn học ấy đã ra đời ngay trên tiền tuyến đầy máu lửa phản ánh chân thực 2 cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc ta. Vở kịch Tình đồng chí được chuyển thể từ một số tác phẩm văn học trong chương trình Ngữ Văn lớp 9 được các em học sinh khối 9 biểu diễn.

      Đâu đó vẫn còn sự vụng về trong khả năng diễn xướng của các em học sinh nhưng đó là cách cảm, cách hiểu về các tác phẩm văn chương  mộc mạc, giàu tính nhân văn mà các em đã thể hiện khiến cho người xem thích thú và cảm động. Sự cố công, nhiệt huyết của các em học sinh và các thầy cô giáo cùng sự quan tâm của Ban giám hiệu nhà trường đã giúp cho Câu lạc bộ Ngữ Văn thành công tốt đẹp.