Trường THCS Nguyễn Hiền – Ký ức về một mái trường

Trường THCS Nguyễn Hiền – Ký ức về một mái trường

     Thời đi học, ai cũng in dấu trong ký ức mình hình bóng một mái trường. Với tôi, đó là trường Năng khiếu Nguyễn Hiền mà nay là trường THCS Nguyễn Hiền – huyện Nam Trực – tỉnh Nam Định. Năm 1987, vượt qua kỳ thi học sinh giỏi văn cấp huyện, tôi được chọn vào lớp 4 chuyên văn của trường. Những năm đó trường luôn lấy đầu vào theo cách này. Học sinh của trường đến từ mọi miền quê trong huyện, nhiều bạn phải ở nội trú như tôi.
     Trường năng khiếu Nguyễn Hiền khi ấy ở ngay cạnh khu chợ Yên của xã Nam Hồng. Những dãy nhà cấp bốn, mái ngói, tường đơn; giường nằm là những tấm phản gỗ xoan thô mộc ghép liền nhau để tiết kiệm diện tích, nhiều đêm, có bạn nhớ nhà òa khóc. Như một phản ứng dây chuyền, cả một phòng nội  trú hàng chục học sinh cùng nức nở. Mới 10, 11 tuổi đã phải sống xa gia đình nên các thầy, cô thường coi chúng tôi như con, em, không chỉ dạy mà còn “dỗ” theo đúng nghĩa đen của từ này. Nhà thầy Bội ở gần trường, tối nào thầy cũng đáo qua trường xem tình hình các phòng. Nghe chỗ nào có tiếng khóc, thầy lại vào an ủi và bày trò vui, chỉ khi trò cười vui rồi thầy mới về.
     Những đêm tập huấn chuẩn bị cho thi đội tuyển tỉnh, cả thầy và trò say sưa ôn luyện bên ánh đèn dầu. Dầu hỏa là mặt hàng bán chạy ở khu chợ Yên ngày đó chủ yếu là cho học trò Nguyễn Hiền. Mỗi kỳ tập huấn như vậy kéo dài ròng rã hàng vài, ba tháng. Thương trò, các thầy đi xin Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện tiền bồi dưỡng để sau mỗi buổi học đêm các em có thêm quả trứng vịt luộc hay bát cháo xì xụp với nhau. Ngày học ba ca, kết thúc vào 21 giờ đêm nhưng chúng tôi không thấy mệt mỏi. Thầy dặn là phải đi ngủ để có sức cho buổi học ngày mai nhưng biết đâu nửa đêm lại có vài ba đứa thì thụt rủ nhau xách đèn lên lớp tiếp tục học. Nhìn qua cửa sổ phòng thầy vẫn le lói ánh sáng. Thầy đang miệt mài chấm bài vì biết chúng tôi rất háo hức chờ đợi những lời nhận xét, chỉnh sửa của thầy để mỗi bài văn thêm hoàn thiện hơn. Ở lớp văn của tôi, mỗi thầy là một phong cách. Tôi có riêng từng quyển vở ghi văn thầy Bội, văn thầy Hồ, văn thầy Quyền… Thầy Hồ dí dỏm bao nhiêu thì thầy Quyền lại thâm trầm, sâu sắc bấy nhiêu, còn thầy Bội bao giờ cũng chỉnh chu, mực thước. Cuộc sống đời thường với bao toan lo, vất vả nhưng dấu vết của những nhọc nhằn áo cơm ấy không vương chút nào vào các bài giảng của thầy. Lúc nào thầy cũng sôi nổi, hết mình vì học sinh. Chính nhiệt tình của các thầy, các cô đã truyền cho chúng tôi tình yêu văn chương.
      Không khó lý giải tại sao những tháng năm đó lại tạo lập bề dày thành tích cho trường. Trường năng khiếu Nguyễn Hiền luôn đứng ở tốp đầu thi học sinh giỏi tỉnh Hà Nam Ninh, sau đó là tỉnh Nam Hà và nay là tỉnh Nam Định. Có những đội tuyển “truyền thống Nhất” như đội tuyển toán Năm của thầy giáo Thận. Thành tích của các đội tuyển học sinh giỏi năng khiếu Nguyễn Hiền đã tô thắm thêm truyền thống giáo dục của huyện Nam Ninh ngày đó và Nam Trực hôm nay. Đã có nhiều đoàn công tác ở các địa phương bạn đến học hỏi kinh nghiệm của các thầy. Nhưng ai cũng biết rằng nào có bí quyết gì đâu ngoài tình yêu nghề giáo và trách nhiệm của người thầy luôn được đặt ở vị trí cao nhất.
     Những ngày này khi đặt chân đến trường THCS Nguyễn Hiền nhiều người không khỏi ngỡ ngàng trước khung cảnh bề thế và hiện đại của ngôi trường. Những dãy nhà cấp 4 năm nào giờ là khu giảng dạy với 5 nhà cao tầng, gồm 43 phòng trong đó 20 lớp học đầy đủ trang thiết bị hiện đại… Khu kí túc xá cũng được đầu tư, nâng cấp gồm một nhà 2 tầng, một nhà mái bằng, một nhà bếp và một nhà ăn phục vụ được 300 học sinh…
     Thầy Trần Văn Lực, Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Hiền cho biết, thời gian tới, ngoài việc giữ vững, phát huy những kết quả đạt được, nhiệm vụ trọng tâm của nhà trường vẫn là đào tạo, bồi dưỡng lực lượng học sinh giỏi, tham gia các cuộc thi học sinh giỏi của huyện, của tỉnh; đồng thời trường tích cực tổ chức các hoạt động ngoại khóa để học sinh phát triển toàn diện về đức – trí – thể – mỹ. Đây là những bước đi chiến lược, nhằm tiếp tục khẳng định thương hiệu của trường THCS Nguyễn Hiền, tạo ra ưu thế khác biệt của trường đối với các trường THCS trên địa bàn huyện. Đó cũng chính là tâm huyết, là mong muốn của những người làm công tác giáo dục dưới mái trường mang tên Trạng nguyên Nguyễn Hiền.

                                                                         Tác giả bài viết: Nguyễn Hương – Cựu học sinh trường THCS Nguyễn Hiền 

                                                                        Nguồn tin: Báo Văn hóa